Luật Nhà ở có hiệu lực: Gỡ "nút thắt" để tăng cung nhà ở xã hội

Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực sớm từ ngày 1/8/2024 với nhiều điểm mới mang đến những lợi ích cho người dân và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nổi bật là các thay đổi về chính sách phát triển nhà ở xã hội.

Luật Nhà ở 2023 sẽ giúp cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, cho biết bộ 3 luật (Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023) có hiệu lực kể từ ngày 1/8 với nhiều quy định được sửa đổi, khi đi vào thực tế sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn. 3 bộ luật này liên quan mật thiết với nhau và rất quan trọng trong việc phát triển thị trường bất động sản.

Luật Nhà ở có hiệu lực: Gỡ

Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng (Ảnh: Phạm Hưng)

Trong đó, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 giải quyết các câu chuyện chấp thuận chủ trương đầu tư nhà ở thương mại, phát triển nhà ở xã hội; điều kiện kinh doanh bất động sản thu hồi; điều kiện thị trường bất động sản của các chủ thể tham gia (nhà môi giới, sàn giao dịch bất động sản),…

"Các nhóm vướng mắc kể trên đều được giải quyết. Chẳng hạn như trong Luật Nhà ở, những quy định mới được sửa đổi và bổ sung: thủ tục trình tự triển khai nhà ở xã hội sẽ được rút gọn, tinh giản hơn. Quy định được hưởng chính sách nhà ở xã hội được đơn giản hoá hơn", ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng còn cho rằng, thời gian tới, chủ nhà đầu tư nhà ở xã hội được hưởng nhiều quy định ưu đãi hơn như quy định về xác định tính toán giá mua - bán nhà ở xã hội. Tất cả các thay đổi và bổ sung về khung pháp lý cho nhà ở xã hội sẽ tăng nguồn cung bất động sản và cơ cấu nhà ở xã hội.

"Tác động chung của 3 luật này đến thị trường bất động sản là rất lớn. Thị trường phụ thuộc nguồn cung. Mà nguồn cung chính là những việc thực hiện dự án từ đất đai, vốn... Khi cơ chế chính sách nhà ở xã hội được khơi thông sẽ làm tăng nguồn cung sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nguồn cung tăng sẽ tác động đến giá nhà trong thời gian tới", ông Dũng nhận định.

"Nút thắt" về cư trú trong Luật Nhà ở 2023 được gỡ, người mua dễ tiếp cận hơn

Nhiều chuyên gia nhận định, theo Luật Nhà ở mới, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội sẽ thuận lợi hơn. Đơn cử, "nút thắt" về cư trú được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận với nhà ở. Đây là quy định mới, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dự án nhà ở xã hội. 

Luật Nhà ở có hiệu lực: Gỡ

Pháp lý khơi thông, nhiều dự án nhà ở xã hội sẽ sớm triển khai trong thời gian tới (Ảnh: Thái Nguyễn)

Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng người mua nhà ở xã hội, cần có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, cao hơn 4 triệu đồng so với quy định trước đây và chưa sở hữu bất động sản tại tỉnh, thành phố nơi có dự án, sẽ được nhận hỗ trợ vay mua, thuê nhà ở xã hội. Hai điều kiện liên quan là xác định về thu nhập, nơi cư trú bây giờ cũng thoáng hơn Luật Nhà ở trước rất nhiều.

Với các chủ đầu tư, nếu muốn làm dự án nhà ở xã hội phải thực hiện các thủ tục liên quan tới xác định giá đất, tiền sử dụng, thuê đất để làm hồ sơ xin miễn các loại tiền này. Đây là điểm khiến nhiều chủ đầu tư gặp vướng mắc lâu nay, bởi thủ tục xin miễn tiền thuê, sử dụng đất thường kéo dài. 

Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2023 sớm có hiệu lực, thì nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội không phải thực hiện các thủ tục trên. Điều này kỳ vọng sẽ tăng thêm nguồn cung nhà ở xã hội nhằm hoàn thục mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 15/6/2024, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn, tăng 4 dự án và 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024.

Cụ thể, có 75 dự án đã hoàn thành với quy mô 39.884 căn; 128 dự án đã khởi công xây dựng có quy mô 115.379 căn; 300 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 262.937 căn…

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng phát triển nhà ở xã hội tại nhiều địa phương còn hạn chế. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ triển khai thấp so với mục tiêu đề án có 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030, như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An.

Nguồn: Danviet.vn